(Ngày 15 tháng 12 năm 1958) !
——————
“Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.
Là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm bàn về đạo đức cách mạng, được viết vào tháng 12 năm 1958; trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tập trung xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì có một số cán bộ, đảng viên của Đảng đã phai nhạt đạo đức cách mạng, biểu hiện kiêu ngạo, công thần, tự cao tự đại; lòng tham ham muốn danh lợi, địa vị cho riêng mình, không đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, không làm đúng với chính sách và nghị quyết của Đảng, lời nói không đi đôi với việc làm; xa rời quần chúng, không được quần chúng tin theo… đã trở ngại lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò quan trọng của phẩm chất đạo đức đối với người làm cách mạng, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên được giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, để trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, quyết tâm suốt đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng; vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân; thực hiện nghiêm chỉnh đường lối quan điểm, nghị quyết của Đảng, nêu cao tinh thần cách mạng; gương mẫu trong lối sống, sinh hoạt, lời nói đi đôi với việc làm, gặp việc khó không nản chí, đầu tầu làm trước để quần chúng noi theo, làm theo.
Hiện nay, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ Bảo vệ Tổ quốc; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch; sự tác động từ mặt trái cơ chế thị trường, những tiêu cực trong đời sống xã hội; đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm… trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; qua đó càng làm cho Đảng ta nhận rõ hơn giá trị tư tưởng về Lời của Bác Hồ và vai trò, tầm quan trọng của đạo đức cách mạng đối với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
____________
Ngày 15-12-1912, với tên ký là “Paul Tất Thành”, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ tìm người cha là Phó bảng Nguyễn Sinh Huy. Đáng chú ý là, thư được gửi từ thành phố Niu Oóc. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành còn gửi thư cho người anh trai là ông Nguyễn Sinh Khiêm đang làm việc tại Tòa Khâm sứ Trung Kỳ đặt vấn đề xin vào học Trường Thuộc địa ở Pari.
Ngày 15-12-1919, mật thám Pháp theo dõi cho biết Nguyễn Ái Quốc vẫn quan hệ với báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng Xã hội, vẫn đều đặn đến Thư viện Thánh Geneviève và tiếp xúc với nhiều người Pháp. Ngày 15-12-1921, Nguyễn Ái Quốc dự họp với Đoàn Thanh niên Cộng sản quận 13, ở Pari.
Khoảng giữa tháng 12-1944, Nguyễn Ái Quốc gửi một bức thư nhỏ đặt trong bao thuốc lá cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đó là bản Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có ba nội dung chính: “1. Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền… có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên. Nguyên tắc tổ chức lực lượng là “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao – Bắc – Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”. 2. Đối với các đội vũ trang địa phương: tập trung huấn luyện… trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến. 3. Về chiến thuật: “vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông, mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô hình”. Chỉ thị khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”. Từ Chỉ thị này, ngày 22-12-1944, lực lượng vũ trang chính quy của cách mạng đã ra đời và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Ngày 15-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới đồng bào ngoại thành Hà Nội với nội dung: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi, mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là một công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở Thành phố Hà Nội, nên không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa. Tôi xin thành thực cảm tạ toàn thể đồng bào nam, phụ, lão, ấu khu vực ngoại thành Hà Nội”.
Ngày 15-12-1954, Bác đến thăm Bệnh viện Bạch Mai căn dặn cán bộ và nhân viên y tế mới tiếp quản bệnh viện từ phía ban điều hành của Pháp: “Đã là người tự do, người chủ trì thì phải làm thế nào cho xứng đáng. Từ công việc, tư tưởng đến thái độ đều phải có tư cách người chủ”.
Ngày 15-12-1966, Bác gửi thư khen ngợi quân dân Thủ đô đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 1.600 trên miền Bắc và tặng Hà Nội lá cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
——————
Thủ Đức – Xưa và nay//ST